Được hỗ trợ bởi google Dịch
 

Chùa Hội Linh

Chùa Hội Linh
Tuesday,
03/10/2023
Đăng bởi: TẠ QUANG Ý

Chùa Hội Linh - Hội Linh Cổ Tự - Ngôi Chùa Hội Linh Cần Thơ

Cẩm Nang

Hương Xưa Đức Thụ

Chùa Hội Linh - Hội Linh Cổ Tự - Ngôi Chùa Hội Linh Cần Thơ thuộc dòng Lâm Tế tông; hiện tọa lạc trong một con hẻm ở số 314/36 đường Cách mạng Tháng Tám (cách lề đường khoảng 200 m), thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, Việt Nam. Chùa Hội Linh là điểm du lịch tâm linh bạn nên ghé thăm khi đến với Cần Thơ. Địa danh này thu hút du khách bởi vẻ đẹp cổ kính nhuốm màu thời gian cùng bề dày lịch sử hào hùng.

Chùa được xây cất bằng tre lá vào năm 1904 (Giáp Thìn) do Hòa Thượng Thích Thanh Hương, hiệu Khánh Hưng khai sơn, có tên là Hội Long Tự, theo dòng Thiền Tông Lâm Tế. Đến năm 1914 (tháng 4 năm Giáp Dần), chùa được trùng tu lần đầu và đổi tên là Hội Linh Cổ Tự (đời cố Hòa thượng Thích Hoằng Đạo)… Đến nay tên chùa vẫn giữ nguyên, nhưng trong nhân dân quanh vùng vẫn quen gọi là chùa Xẻo Cạn, vì ngày xưa cạnh chùa có con rạch cạn, nay đã bị bồi lấp…

Chùa Hội Linh

Hình ảnh tòa tháp chùa hội linh

Chùa Hội Linh kiến trúc: chùa có đầy đủ cổng tam quan, chánh điện, hậu đường, giảng đường. Khi chúng ta đi từ ngoài vào sẽ đi qua Cổng tam quan nép mình dưới bóng cây bồ đề, một loại cây hay gặp ở nhà chùa, xung quanh là dãy tường rào hình cánh cung gồm một cổng chính và hai cổng phụ. Cổng chính vươn ra phía trước có hai lớp mái, các mái ngói của cổng chính và hai cổng phụ đều là mái cong được lợp bằng ngói âm dương màu xanh rất đẹp. Trên mái ngói cổng chính được điểm tô hình lưỡng long tranh châu, một loại hình trang trí rất thường gặp ở chùa, đình Nam Bộ. Hai bên cổng chính đôi câu đối bằng chữ Hán.

“Hội thượng diên chân chùa tiếp dân thập phương quy giác lộ 

Linh sơn khai nhãn tạng đề huế tứ chúng xuất mê tân”

Hai câu có nghĩa: Chùa là nơi hội tụ mọi người không phân biệt người sang hèn ai cũng có quyền đến để nghe phật pháp, được hướng dẫn lời Phật dạy, dạy bảo con người vào con đường hiền lành, hạnh phúc sáng sủa. 

Bước vào chánh điện và nhà hậu tổ, du khách sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về nét kiến trúc khá độc đáo của các nghệ nhân. Toàn bộ mái chùa được phủ bởi ngói đỏ (nay đã rêu phong). Hệ thống vòm mái được nâng đỡ bởi 16 cột gỗ lim tròn (chánh điện) và 20 cột gỗ lim tròn (nhà hậu tổ), đường kính 25 cm có chân đế bằng đá tảng, chạm trổ hình hoa sen, trên mỗi cột đều có những liễn, đối. Các vì kèo trên chánh điện và nhà hậu tổ đều được làm theo kiểu nhà trính, các cây trỏng được gọt đẽo đặt trên khối hình vuông, hình thang, đầu trỏng có hình cánh dơi…

Mặt tiền chánh điện được phân làm ba gian và có một lầu. Lầu được chia làm ba gian để thờ Phật Thích Ca, Quán Âm, và Địa Tạng. Mái lợp xi măng đúc thành hình vảy cá. Trên đỉnh là hình búp sen, bầu rượu, các đầu đao hình rồng, hoa lá uốn cong. Cũng giống như các ngôi chùa thuộc dòng Thiền tông Lâm tế khác, chùa Hội Linh là nơi thờ Phật Thích Ca, Di Lặc, Chuẩn Đề, Ngọc Hoàng, các vị Kim Cang…

Chùa Hội Linh

Hình ảnh khuôn viên bên ngoài của chùa hội lịnh cổ tự

Hội Linh Cổ Tự Điện thờ chính có 3 gian nhỏ, bên trong tôn trí nhiều tượng Phật theo các cấp bậc rất uy nghi. Tại 3 gian thờ, có treo 3 bức hoành phi khắc bằng chữ Hán ở giữa là “Hội Linh Tự”, bên trái “Tam vô tư địa”, bên phải “Thưởng thiện phạt ác”. Gian thờ chính ở giữa, phía trước có khung bao lam sơn son thếp vàng, chạm khắc cây, hoa, lá, rồng, phụng, hưu…, và hai bên có 2 câu liễn đối bằng chữ Hán. Vị Phật được thờ chính ở đây là Phật A Di Đà. Gian bên trái thờ Bồ Tát Đại Thế Chí (thờ chính), và gian bên phải thờ Bồ Tát Quán Thế Âm (thờ chính).

Ở giữa chánh điện còn có pho tượng Di Lặc Bồ Tát được tạo tác theo tư thế ngồi, cao 2,5 m. Phía sau lưng Đức Di Lặc là tháp đèn Dược Sư có 49 ngọn đèn. Tháp đèn được làm bằng danh mộc gồm 7 tầng, mỗi tầng 7 ngọn đèn và đều có một vị Phật Dược Sư an ngự. Phía sau tháp đèn là một khoảng trống nơi hành lễ của sư trụ trì. Đối diện tượng Di Lặc là bàn thờ Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen. Ngoài ra trên bàn còn có các tượng: Vi Đà Hộ pháp, Tiêu Diện Đại Sĩ, Ngọc Hoàng Thượng đế, Nam Tào và Bắc Đẩu.

Phía sau 3 gian thờ chính là một gian thờ nhỏ khác thờ Hậu Tổ. Ở Giữa đặt tượng thờ Tổ Sư Đạt Ma, bên phải và bên trái thờ các vị tiền bối hữu công hộ trì Tam bảo. Trên cả 3 bàn thờ xếp nhiều bài vị của các cố Hòa thượng từng trụ trì bổn tự và các tiền bối đã quá vãng.

Nối tiếp chánh điện, là hậu đường rộng 144 m², ở giữa đặt bàn thờ Tổ quốc có ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi này còn được dùng làm nơi tiếp khách. Liền theo đó là giảng đường, là nơi giảng kinh và thuyết pháp…Ở gian giữa có bàn thờ Phật Mẫu Chuẩn Đề. Ở gian hai bên, có bàn thờ di ảnh Hòa thượng Hoằng Đạo (trái) và Hòa thượng Pháp Thân (phải).

Ngoài các giá trị về kiến trúc nghệ thuật, trong chùa còn lưu giữ hơn trăm pho tượng lớn nhỏ rất có giá trị, bằng nhiều chất liệu khác nhau: đồng, gỗ, xi măng, thạch cao…Riêng tượng ông Giám Trai (dưới nhà trù) – người tự nguyện suốt đời ở trong nhà bếp bửa củi, nấu cơm cho chúng tăng là một tác phẩm điêu khắc độc đáo. Ngoài ra, các hiện vật quý trong chùa còn có chuông đồng, mõ, bộ binh khí (16 cái) và bộ bàn ghế gỗ cẩn xà cừ được chạm trỗ công phu.

Sau khi tham quan chiêm bái, du khách có thể tản bộ ra bên ngoài để thưởng ngoạn phong cảnh xung quanh chùa. Trước sân là hồ sen hình bán nguyệt với những bông sen hồng lung linh đưa hương thoang thoảng (vào mùa hè), ngay chính giữa hồ là tượng Phật bà Quán Âm ngự trên tòa sen uy nghiêm và trang trọng.

Chùa Hội Linh

Hình ảnh chùa hội linh chụp từ trên cao nhìn rất đẹp và cổ kính

Chùa Hội Linh - Hội Linh Cổ Tự - Ngôi Chùa Hội Linh Cần Thơ Điểm xuyết vào khung cảnh đó là những giàn cây cảnh đa dạng, phong phú được các nghệ nhân chăm sóc khéo léo, cẩn thận như: như cây duối uốn nhiều tầng được cắt tỉ công phu, 02 cây khế cổ thụ trên trăm tuổi, những cây mai chiếu thủy lâu năm xòe những chùm bông trắng tỏa hương thơm ngát tạo một không gian an lành thanh tịnh. Phía bên trái sân là tượng Phật Di Lặc với nụ cười hiền hòa bao dung, và phía sau cùng là những quần thể tháp uy nghi, cổ kính. Đây cũng là nơi an nghỉ cuối đời của các vị Hòa thượng tiền nhiệm (tháp của Hòa thượng Pháp Thân, Hòa thượng Chơn Đức, cùng các bậc tiền bối xưa có công sáng lập chùa…) và cuối cùng phía sau hậu liêu là Trai đường với kiến trúc 2 tầng khang trang (xây dựng mới vào năm 2010), kế bên là nhà trù (nhà bếp)…

Từ năm 1941, chùa Hội Linh đã trở thành một cơ sở bí mật của cách mạng. Các Hòa thượng, tăng ni và bà con phật tử trong vùng che chở, đùm bọc, nuôi chứa nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng như Nguyễn Hoàng Lương, Lâm Hồng Quang, Thiều Quang Thể, Nguyễn Kim Hạnh, Trương Văn Biên… hoạt động nội thành từ thời kỳ tiền khởi nghĩa cho đến hết 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Năm 1946, để bảo vệ cơ sở cách mạng tại đây, Hòa thượng Thích Pháp Thân đã quyết định đốt một phần ngôi chánh điện. Sự hy sinh của nhà chùa thể hiện tinh thần yêu nước, bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng, của các vị Hòa thượng, các tăng ni.

Chùa Hội Linh Cổ Tự là một công trình kiến trúc có nhiều giá trị nghệ thuật điêu khắc công phu với nhiều tôn tượng lâu đời, độc đáo. là một cơ sở tôn giáo được đông đảo bà con Phật tử đến tu học và dâng hương lễ bái, là nơi luôn mở rộng cửa chào đón những người có hoàn cảnh không may, cơ nhỡ. Hàng năm, Chùa thường xuyên ủng hộ cho các công tác xã hội, hoạt động từ thiện, giúp các gia đình nghèo, khó khăn hoặc do thiên tai trong và ngoài thành phố.

Mục này được đăng trong cẩm nang và được gắn thẻ với sản phẩm hương nhang sạch từ thảo mộc

Hương Xưa Đức Thụ

"HƯƠNG XƯA ĐỨC THỤ" CHUYÊN CUNG CẤP CÁC SẢN PHẨM HƯƠNG NHANG SẠCH, ĐỨC THỤ MUỐN HỌC HỎI VÀ PHÁT TRIỂN ĐƯA CÁC THẢO MỘC THIÊN NHIÊN VÀO KẾT HỢP VỚI HƯƠNG NHANG, ĐỂ CÓ ĐƯỢC MÙI THƠM KHÁC BIỆT TRONG CÁC SẢN PHẨM HƯƠNG NHANG VIỆT NAM, CHÚNG TÔI CÒN TÌM HIỂU PHONG TỤC TÍN NGƯỠNG TÂM LINH TRUYỀN THỐNG.

Viết bình luận:
Facebook Hương Xưa Đức Thụ Zalo Hương Xưa Đức Thụ Messenger Hương Xưa Đức Thụ
popup

Số lượng:

Tổng tiền: