Được hỗ trợ bởi google Dịch
 

Mẫu Tam Cờ

Mẫu Tam Cờ
Sunday,
15/10/2023
Đăng bởi: TẠ QUANG Ý

Mẫu Tam Cờ - Đền Mẫu Tam Cờ - Ngôi Đền Tam Cờ Tuyên Quang

Cẩm Nang

Hương Xưa Đức Thụ

Mẫu Tam Cờ - Đền Mẫu Tam Cờ - Ngôi Đền Tam Cờ Tuyên Quang là tên gọi khác của đền Hạ ở Tuyên Quang. Đền thờ Mẫu Thoải là nàng Phương Dung công chúa, con gái của vua Hùng. Đền Hạ Tuyên Quang thờ Mẫu Thoải, nằm ở số 53, phố Lý Nam Đế, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang. Địa danh nơi đây còn gọi là Tam Cờ nên đền thường được gọi là Đền Mẫu Tam Cờ. Ngôi đền này nằm trên vùng đất ngày xưa có tên là Hiệp Thuận, nên đôi khi còn gọi là Đền Hiệp Thuận.
Phố Tam Cờ có tên từ cuối đời nhà Lê, đó là tên của một ngã ba nơi con sông Lô và sông Gầm hoặc là Gâm gặp nhau, để hòa thành một dòng Lô chảy xuôi về thị xã. Tên của ngã ba hai con sông Lô - Gâm gặp nhau ở cửa sông ấy, viết bằng chữ Hán, dịch là Ba Chẽ, hoặc là Tam Kỳ hay Tam Cờ. Đến đầu nhà Nguyễn, Tam Cờ được đặt tên cho phố, có lúc nó được đặt tên cho cả cái thị xã nhỏ vùng sơn cước này.

Mẫu Tam Cờ

Hình ảnh cổng vào mẫu tam cờ

Mẫu Tam Cờ Phố Tam Cờ trong bài viết này được tính từ năm 1955 trở về trước, vì sau năm 1955, Tam Cờ tách ra làm hai phố; phố dưới tính từ cầu Chả trở lên đến đầu Nhà Đoan (đầu Mậu dịch) vốn là phố dưới giữ nguyên tên là Tam Cờ; phố trên tính từ đầu Nhà Đoan đến đầu phố Xuân Hòa, chỗ ngã ba Quảng Tường gọi là phố Quang Trung.

Phố Tam Cờ cũ từ Cầu Chả lên đến ngã ba Quảng Tường, người ta đã thấy có 7 nơi có đền đài, miếu mạo, làm cho phố trở thành một khu phố cổ kính, sầm uất nhất thị xã thời xưa vắng. Qua Cầu Chả chừng mươi lăm thước, rẽ phải theo đường ra bến Gốc Sung ở bờ sông Lô, tới đầu xóm Tân Long, xóm chuyên trồng rau của phố Tam Cờ ta sẽ được nghe người già ở đây kể lại, xưa đất này có một ngôi đền nguy nga lắm, có đầy đủ bia đá và sắc phong từ các triều đại trước sắc cho thờ cúng.

Đền đó có tên là Thiềm Cung, đền thờ Công chúa Quế Hoa con gái của Vua Hùng Định Vương, tên húy là Hùng Định thuộc đời Hùng Vương thứ 8. Đền đã bị phá từ thời kháng chiến chống Pháp, nhưng Sắc phong của vua Khải Định cấp cho đền Thiềm Cung vào năm thứ 9 (1924) còn đó, sắc viết rằng:

“Sắc Tuyên Quang tỉnh, Yên Sơn huyện, Tam Kỳ phố phụng sự Quế Hoa công chúa, hiển linh tôn thần, hộ quốc tý dân, nhẫm trứ linh ứng, Tứ kim chính trực, Trẫm tứ câu đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, trứ phong vị trang huy dực bảo trung hưng, thượng đẳng thần, chuẩn kỳ phụng sự thần, kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân khâm tai”.

Dịch nghĩa: “Sắc ban cho phố Tam Kỳ, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang phụng sự Quế Hoa công chúa, là vị thần linh thiêng, giúp nước trợ dân, tỏ rõ linh ứng. Nay nhân ngày đại khánh tiết, trẫm ban chiếu báu, vào ngày lễ long đăng trật sắc phong cho thần là “Trang huy - Dực bảo trang hưng - Thượng đẳng thần. Vẫn theo lệ trước cho phép được phụng thờ như cũ. Thần sẽ giúp đỡ và che chở cho muôn dân của ta”.

Mẫu Tam Cờ

Hình ảnh bên trong khuôn viên ở mẫu tam cờ

Đền Mẫu Tam Cờ Từ đền Hạ, đi ngược lên thị xã khoảng chừng một trăm mét hay là một dãy phố, ở bên phải đối diện đầu chợ Tam Cờ cũ, còn có một điện thờ của tư nhân, đó là điện thờ của nhà ông bà Lý Hưng, đây là một điện thờ của gia đình. Thời Pháp điện này cũng to lắm, con nhang đệ tử, nhất là bà con đi chợ Tam Cờ cũng hay cúng bái, lên đồng ở đây. Khi tiêu thổ kháng chiến năm 1947, điện này bị phá không cho quân Pháp làm nơi trú quân.

Từ điện thờ nhà ông bà Lý Hưng, đi chừng 500 mét nữa qua đầu chợ Tam Cờ mới, nhìn ra sông người ta lại thấy ở bên bờ sông Lô, nơi có dãy ghềnh đá hiểm trở, nước xoáy suốt ngày đêm có một cái miếu nhỏ, nhưng lúc nào cũng ngun ngút khói hương, đó là miếu Đồng Tiền.

Tại sao gọi là miếu Đồng Tiền, miếu này dựng năm nào, thờ ai? Không ai biết! Chỉ biết từ xa xưa, những người lái đò dọc, đò ngang trên sông Lô cứ vào những ngày rằm, mồng một thường đến đây cúng bái. Những người chuyên đi buôn bằng đường sông nước cũng nói rằng, nếu không vào dâng lễ, thủy thần ở khu vực này sẽ phạt vạ, khó lòng làm ăn được. Miếu này cũng bị phá năm 1947.

Ngôi đền tiếp theo là Đền Hạ, tên chữ là “Hiệp Thuận linh từ”, gọi là Hiệp Thuận vì đền này nằm trên đất của thôn Hiệp Thuận, xã Ỷ La, thuộc Tổng Trung Môn, huyện Phúc Yên của Phủ Yên Bình từ thời vua Lê Thánh Tông tức thời Hồng Đức, còn Linh từ là từ chỉ đây là ngôi đền thiêng của đất nước. Xa xưa ấy, hàng năm con nhang đệ tử từ kinh thành Hà Nội, các tỉnh lân bang, cứ vào sau tết họ nườm nượp kéo đến ngôi đền này tế lễ.

Mẫu Tam Cờ

Hình ảnh mua lễ hội đền tam cờ ở tuyên quang

Mẫu Tam Cờ - Đền Mẫu Tam Cờ - Ngôi Đền Tam Cờ Tuyên Quang Thuyết xưa kể rằng: trong một lần theo cha tuần du miền biên ải, hai nàng công chúa là Phương Dung và Ngọc Lân con của vua Hùng đã đến khúc sông này. Vào một đêm bỗng nhiên sấm chớp đùng đùng, hai nàng hiển linh bay về trời, từ đó dân đã lập đền thờ.

Đền Hạ ở Tam Cờ thờ Phương Dung, đền Thượng bên làng Tình Húc ở thượng nguồn sông Lô thờ Ngọc Lân công chúa, đây là hai vị thánh mẫu được thờ ở hai ngôi đền này từ thuở khai sinh ra đền cho đến hôm nay. Trải qua bao thăng trầm, ngôi đền Hạ, đặc biệt hệ thống Lưỡng long chầu nguyệt trên mái đền, các đình đao, và bốn chữ “Hiệp Thuận Linh Từ” khắc trên vách lầu hướng ra đường phố khẳng định đền được xây dựng lại năm 1738 vẫn còn rất nguyên vẹn.

Từ khi xây lại đền đến nay, Đền Hạ đã có 282 năm tuổi đời. So với 638 năm đất nước ghi danh hai chữ Tuyên Quang vào trong sử sách, thì Đền Hạ đã có tuổi đời gần bằng nửa tuổi đời hình thành nên địa danh của tỉnh, đó là một con số đáng nể!

Lịch sử cũng ghi lại rằng, vào thời Minh Mệnh thứ 14 tức là năm 1833, vua cử Tổng trấn Lê Văn Đức cùng Nguyễn Công Trứ lên Tuyên Quang đi dẹp cuộc khởi nghĩa nông dân do Nùng Văn Vân làm thủ lĩnh. Mấy lần cất quân, mấy lần thất bại. Nghĩ đến việc cầu cứu thần linh, Lê Văn Đức đã vào đền Hạ để cầu khấn xin thánh thần giúp đỡ. Và cuối cùng ông ta đã dẹp được cuộc khởi nghĩa này.

Tháng 6-1835 “Vua bèn sai bộ Lễ bàn ban sắc phong, đưa cho quan tỉnh sắm lễ phẩm đến các đền ấy tuyên sắc phong và ban lễ tế” (Đại Nam Thực Lục, trang 685 tập 4). Đền Hạ tiếp tục thờ cúng Thánh Mẫu Phương Dung công chúa như dân vẫn đang thờ cúng.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, có thời gian bị coi là nơi hành nghề mê tín dị đoan, dẫn tới bị dẹp bỏ. Nhưng với những giá trị văn hóa, lịch sử, năm 1994 đền Hạ được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là Di tích cấp quốc gia. Ngày nay nhân dân thành phố, con nhang đệ tử khắp nơi lại về đây du ngoạn và thắp hương thờ thánh mẫu, làm cho Tam Cờ ngày thêm sinh động.

Vậy đấy, chỉ một quãng đường hơn một cây số, phố ngoài của Tam Cờ đã có tới 7 nơi dâng hương cúng thần thánh, đó còn chưa kể đến một ngôi đình gọi là đình Tam Cờ mà năm 1924 vẫn còn, sau đó nó bị phá bỏ. Đền, Miếu đó là những địa chỉ để góp phần làm nên một địa danh Tam Cờ cổ kính.

Mục này được đăng trong cẩm nang và được gắn thẻ với sản phẩm hương nhang sạch từ thảo mộc

Hương Xưa Đức Thụ

"HƯƠNG XƯA ĐỨC THỤ" CHUYÊN CUNG CẤP CÁC SẢN PHẨM HƯƠNG NHANG SẠCH, ĐỨC THỤ MUỐN HỌC HỎI VÀ PHÁT TRIỂN ĐƯA CÁC THẢO MỘC THIÊN NHIÊN VÀO KẾT HỢP VỚI HƯƠNG NHANG, ĐỂ CÓ ĐƯỢC MÙI THƠM KHÁC BIỆT TRONG CÁC SẢN PHẨM HƯƠNG NHANG VIỆT NAM, CHÚNG TÔI CÒN TÌM HIỂU PHONG TỤC TÍN NGƯỠNG TÂM LINH TRUYỀN THỐNG.

Viết bình luận:
Facebook Hương Xưa Đức Thụ Zalo Hương Xưa Đức Thụ Messenger Hương Xưa Đức Thụ
popup

Số lượng:

Tổng tiền: